Truyền thông đưa KH&CN tới mọi người dân

Ngày đăng: 30/12/2016
Lượt xem: 4.683
Cỡ chữ
Sáng 22/12, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam LHHVN) đã tổ chức Hội thảo “Triển khai chương trình hợp tác khung VUSTA- MOST trong hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ”. 

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học về Kế hoạch hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN giai đoạn 2016-2020 của LHHVN, từ đó góp phần củng cố Luật về Hội. 

Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch LHHVN, chủ trì Hội thảo, đã đánh giá vai trò của các cơ quan cấp dưới thuộc LHHVN trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tới công chúng, nâng cao dân trí và thúc đẩy sáng tạo KH&CN. Tuy nhiên, việc truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN thời gian qua vẫn còn hạn chế. Một số người quan niệm rằng, trong truyền thông đã có phổ biến tri thức. Hiện, nội hàm của phố biến kiến thức KH&CN là gì thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hay chương trình nghiên cứu lí luận tổng thể về cách làm. 

Ông Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, đối tượng truyền thông là cộng đồng, là nhân dân và người mang sứ mệnh đi truyền thông chính là những nhà khoa học. LHHVN với vai trò là một tổ chức tập hợp giới trí thức KH&CN ở Việt Nam cũng có sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN tới giới khoa học trong nước, vừa là cầu nối tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng ban, Ban Thông tin và phổ biến kiến thức của LHHVN, trong năm qua, LHHVN đã đẩy mạnh  3 hoạt động chính bao gồm các hoạt động vận động chính sách; xây dựng, quản lý các cơ quan đầu mối và hoạt động phổ biến kiến thức khoa học của các Hội thành viên của LHHVN. Tiêu biểu cho các hoạt động đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền vận động chính sách là các Liên Hiệp hội địa phương: Hải Dương, Bắc Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lào Cai… Các Hội phối hợp, liên kết chặt chẽ với các Bộ ngành như: Tổng Hội Y Dược với Bộ Y tế, Tổng Hội Xây dựng với Bộ Xây dựng.. trong phổ biến kiến thức KH&CN đối với từng lĩnh vực.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (CESTC) đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thực hiện truyền thông và phổ biến kiến thức của Bộ KH&CN. Thời gian qua, CESTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí truyền tải các hoạt động KH&CN nổi bật từ Trung ương đến địa phương và Viện, trường. Ví dụ như một số chương trình thường xuyên phát sóng nhằm đưa kiến thức KH&CN sâu rộng tới công chúng như: Công nghệ và Đời sống, Đối thoại chính sách, Dân hỏi Bộ trưởng trả lời... đã nhận được các phản hồi tích cực từ nhân dân. Bên cạnh đó, CESTC đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện KH&CN, giải thưởng về KH&CN, hội nghị KH&CN mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế…

Tại Hội thảo, bà Dương Thị Nga, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế, LHHVN đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về truyền thông và phổ biến kiến thức. Ví dụ như các mô hình và kinh nghiệm của hoạt động phổ biến kiến thức của Trung Quốc, Hàn Quốc cho thấy những điểm tương đồng với Việt Nam ở điểm xuất phát nhưng tới nay đã vượt tầm cỡ gấp nhiều lần. Bà Dương Thị Nga cũng đề xuất phương án huy động các nhà khoa học đầu ngành thực hiện các chương trình đưa các nhà khoa học tới công chúng, tới các bạn trẻ để kích thích tinh thần hoạt động vì khoa học, đam mê khoa học, chia sẻ các đam mê KH&CN với giới trẻ. Với mục tiêu cuối cùng của truyền thông là nâng cao nhận thức khoa học thì sẽ tạo ra những nhà khoa học tương lai ở đầy đủ mọi ngành và lĩnh vực.

GS. Nguyễn Lân Dũng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, Nga, Pháp và Trung Quốc có 3 cuốn tạp chí KH&CN rất hay mà hầu như nhà khoa học nào cũng yêu thích. Nếu có thể hãy mua bản quyền và dịch những cuốn tạp chí này về Việt Nam và bán với giá vừa phải để mọi người dân đều có cơ hội được đọc.  Ngoài ra, cần có hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời thể động viên các nhà khoa học nhiệt tình với các hoạt động phổ biến tri thức KH&CN.

Bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho rằng, cần đánh giá hiệu quả của công tác truyền thông và minh bạch về tài chính cho từng dự án được tổ chức trong năm của các tổ chức KH-KT trực thuộc LHHVN để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, trong phản biện các chính sách, đường lối cần tập trung vào các dự báo, tiên lượng các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách để củng cố hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bảo Chi
www.truyenthongkhoahoc.vn