Đơn cử CNHT cơ khí cho ngành ô tô, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận, lĩnh vực này phát triển khá khiêm tốn, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân 9 chỗ ngồi với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Theo đại diện của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, hiện tại phần lớn linh kiện ô tô phải nhập khẩu, nên nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu. Tổng chi phí sản xuất cả chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn so với chi phí sản xuất xe trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Do vậy, CNHT cơ khí ô tô cũng không thể phát triển được.
Chia sẻ về thực trạng CNHT cho ngành cơ khí, công ty CP Cơ khí 19-8 cho biết, từ năm 2005, công ty đã đầu từ 25 tỷ đồng để sản xuất nhíp ô tô. Công suất dây chuyền khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm, có thể đáp ứng cho 10.000 xe tải các loại. Chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Đức, cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang Đức, Italia, Pháp, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar... Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện không thể bán được cho các DN sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước. Hiện công ty chỉ sản xuất khoảng 6.000 tấn sản phẩm/năm và hầu hết là xuất khẩu.
Nguyên nhân là do từ năm 2008 theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, thuế nhập khẩu nhíp xe từ Trung Quốc về Việt Nam đã cắt giảm xuống còn 0%. Với thuế suất 0%, nên nhíp xe Trung Quốc có giá rẻ hơn sản xuất tại Việt Nam 20%. Không những thế, do hầu hết các DN sản xuất lắp ráp xe tải trong nước đều nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, nên bị ép phải mua cả cụm luôn.
Đáng chú ý, vấn đề là các DN lắp ráp xe tải Việt Nam không thể đàm phán, để bỏ nhíp xe ra khỏi cụm cầu xe nhập khẩu từ Trung Quốc, nên đành chịu, mặc dù họ cũng muốn ủng hộ sản xuất trong nước. Chính vì vậy, nhíp xe sản xuất tại Việt Nam bị mất thị trường ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp cần liên kết để tăng hiệu quả
Trên thực tế, muốn phát triển ngành cơ khí, cần phải có mạng lưới CNHT hùng hậu. Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, điều mà các các DN cơ khí kỳ vọng đối với ngành CNHT, cụ thể các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước chính là hồ sơ năng lực tốt, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng ổn định, có khả năng cung cấp với quy mô lớn. Có như vậy ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, trong đó có ngành ô tô mới phát triển.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Các DN cơ khí Việt Nam đưa ra giải pháp, các DN cơ khí cần xây dựng lại mô hình sản xuất theo hướng liên kết các nhà trở thành “mắt xích” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiệp hội các DN cơ khí Việt Nam cho hay, hiện các DN thành viên trong hiệp hội đã phối hợp với nhau trong việc cung ứng và hợp tác thực hiện các dự án có khối lượng lớn, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh đã được triển khai. Đơn cử như các DN quốc phòng Z17, Z25, Z179… đã liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các DN cơ khí thành viên. Hay như Công ty Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam từ nhiều năm nay vẫn đặt hàng các chi tiết sản phẩm với các DN bạn hàng (trên 25 DN) để sản xuất chế tạo các sản phẩm, thiết bị của DN ra thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các DN cơ khí cũng khuyến nghị Nhà nước cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn sắp tới theo một số định hướng sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ như: máy móc, thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp quan trọng; các máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ khai thác và chế biến sản phẩm nông nghiệp (nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, …), robot nông nghiệp.
VITIC tổng hợp