Starup công nghệ cao mang lại doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm

Ngày đăng: 10/01/2017
Lượt xem: 1.532
Cỡ chữ
 
 

Tuy số lượng còn chưa nhiều nhưng các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thành công hiện có thể mang lại doanh thu đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

 

 

Chỉ mới thành lập 5 năm với 5 thành viên ban đầu, nhưng hiện nay Gremsy – một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm gimbal và bộ điều khiển kết nối với các gimbal (thiết bị cân bằng cho camera) tại TP HCM đã phát triển đội ngũ lên 40 kỹ sư và chuyên viên nghiên cứu.

Tuy là một công ty trẻ nhưng doanh thu của Gremsy tăng liên tục qua các năm. Nếu như 2 năm đầu mới thành lập còn phải tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì đến năm 2013, doanh thu của công ty đạt hơn 283 triệu đồng. Năm 2014, với việc đẩy mạnh ra thị trường nước ngoài, doanh thu công ty tăng lên 1,5 tỷ và cán mốc hơn 6 tỷ đồng vào 2015. Bảy tháng đầu 2016, doanh thu công ty này đã trên 8 tỷ và cả năm qua đã vượt hơn chục tỷ. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, doanh thu của Gremsy chủ yếu đến từ thị trường châu Âu (chiếm 50%), thị trường Mỹ 30%, 20% còn lại cho thị trường các nước khu vực Thái Bình Dương. Trong đó, doanh thu hầu như kiếm được từ hoạt động cung cấp thiết bị gimbal cho quay phim, chụp ảnh (chiếm đến 99%).

Hiện nay, theo đơn vị này, bên cạnh hoạt động nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các thiết bị hỗ trợ quay phim, chụp ảnh chuyên nghiệp, nhóm sáng lập còn có kế hoạch đầu tư, nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng, robot nông nghiệp, tự động hóa có tích hợp bộ cảm biến đo các thông số nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí, độ ẩm đất và bộ sản phẩm trồng cây trong nhà.

Tuy nhiên, Gremsy cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cùng với công ty này, một số dự án ươm tạo khác tại Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) cũng kiếm được vài tỷ đồng mỗi năm nhờ sản xuất ra những sản phẩm mới, chứa hàm lượng công nghệ cao và có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Báo cáo tổng kết năm 2016 của SHTP cho hay, tổng doanh thu từ các dự án ươm tạo trong năm qua tại đây đạt hơn 22 tỷ đồng. Đơn cử như sản phẩm ứng dụng công nghệ nano curcumin dùng để hỗ trợ chức năng gan, dạ dày, làm lành vết thương… của công ty khởi nghiệp Viotek mới thành lập năm 2014, đã tiêu thụ được gần 15.000 đơn vị với giá trung bình khoảng 200.000 đồng mỗi sản phẩm. Một ví dụ khác là loại kem trị mụn, giảm viêm được kết hợp điều chế giữa cao chiết thảo và nano vàng dạng kim tự tháp của Công ty Thế giới Gene. Loại sản phẩm này có giá hơn 350.000 đồng mỗi lọ 5ml và đã bán được 4.400 lọ trong năm qua.

Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp khởi nghiệp khác thì số doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao còn rất khiêm tốn. Đến nay vườn ươm của khu có tổng cộng 18 doanh nghiệp được ươm tạo, 12/18 đã thành lập được doanh nghiệp. Năm 2017, vườn ươm này đặt mục tiêu tiếp nhận ít nhất một dự án vào ươm tạo, 4-6 dự án ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng và thu hút 1-2 nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp này. SHTP cũng mở khả năng thu hút các dự án khởi nghiệp công nghệ cao của nước ngoài đến Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cao đa dạng, đa quốc gia.

Tổng kết tình hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP HCM, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, năm 2016, Thành phố có được 240 đơn đăng ký sáng chế, Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Saigon Innovation Hub đã giúp kết nối 340 dự án khởi nghiệp và 1.700 nhóm khởi nghiệp với các nhà đầu tư. Để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp công nghệ cao ngành hóa và vi sinh, Thành phố cũng vừa thành lập phòng thí nghiệm mở (OpenLab). Nhằm thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp công nghệ cao nói riêng, Thành phố vừa triển khai chương trình tài trợ khởi nghiệp SpeedUp 2017 và có một số kiến nghị với cấp Trung ương.

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, TP HCM kiến nghị Chính phủ, bộ ngành sớm hoàn thiện, cải tiến và ban hành các cơ chế chính sách có liên quan: cơ chế giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu; thủ tục, thời gian liên quan để đưa sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp vào thị trường; thủ tục thời gian xin cấp bằng sở hữu trí tuệ và cơ chế tài chính để thực hiện đề án 844 hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.