Đào tạo nghề tạo sự đột phá cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày đăng: 07/02/2017
Lượt xem: 1.764
Cỡ chữ
 

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) đang diễn ra, các nền kinh tế trên thế giới không thể dựa vào những lợi thế truyền thống để tăng trưởng.


Cuộc cách mạng này dự báo sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội phát triển cũng như những thách thức lớn trong thời gian tới. Để theo kịp sự phát triển toàn cầu, các chuyên gia cho rằng phát triển nguồn nhân lực sẽ là một giải pháp đột phá.

Cơ hội không thể bỏ lỡ
Theo chuyên gia phân tích, nếu cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cơ khí hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ hai là điện khí hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ ba là tự động hóa thì cách mạng công nghệ lần thứ tư tạm khái quát là số hóa và tự động hóa thông minh.

Theo đó, Industry 4.0 có ba đặc trưng cơ bản: Kết hợp giữa hệ thống thực với hệ thống ảo; Quy mô trên nhiều lĩnh vực và diễn ra với tốc độ nhanh; Tác động mạnh mẽ và toàn diện.

Thực tế cho thấy Industry 4.0 đang vẽ lại bản đồ thế giới, Mỹ khôi phục vị thế hàng đầu, các nước Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... cũng tham gia mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Những quốc gia chủ yếu dựa vào dầu mỏ hay tài nguyên bị ảnh hưởng mạnh như OPEC, Úc, Canada, Nga, Brazil… đang trải qua một quá trình tái cơ cấu nhiều thách thức. Industry 4.0 cũng vẽ lại bức tranh về các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới với slogan “Chia tay dầu mỏ, đón chào công nghệ”.

Industry 4.0 đã hiện diện khá rõ nét trên thế giới, Việt Nam được xem là đã lỡ nhịp với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, và Industry 4.0 là cơ hội không thể bỏ lỡ.

GS.TS Đỗ Trung Tá - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Đứng trước Industry 4.0, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là: Thông minh hóa mạng lưới Internet để phục vụ các ngành, tri thức hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường phổ biến kỹ năng sử dụng Internet, toàn cầu hóa kinh doanh thông qua Internet.

Việt Nam cũng được khuyến cáo là nên tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh để đầu tư, cụ thể là ngành nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.

Thách thức và giải pháp
Các nghiên cứu cho thấy, Industry 4.0 sẽ là siêu tự động hóa và siêu kết nối có thể nâng cao năng suất những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu lao động kỹ năng thấp.

Sự ra đời của robot hợp tác có khả năng di chuyển và tương tác, sẽ giúp các công việc kỹ năng thấp đạt năng suất nhảy vọt. Những người bị ảnh hưởng nặng nhất lại có thể là lực lượng lao động có kỹ năng trung bình, vì sự phát triển của siêu tự động hóa và siêu kết nối sẽ tác động đáng kể đến bản chất của các công việc tri thức.

Dù vậy, đặc điểm nổi trội của Industry 4.0 lại cho thấy những cơ hội khởi nghiệp với số vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng lợi nhuận thu về lại rất cao, các ví dụ kinh điển có thể kể đến như Facebook hay Uber, còn ở Việt Nam là Flappy Bird...

Để có thể theo kịp xu hướng của Industry 4.0, các chuyên gia nhận định, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực số, và xem đây như là một giải pháp đột phá.

Biến lợi thế nguồn nhân lực trẻ thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ.

Gắn đào tạo với đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới.

Phát triển ngành công nghệ thông tin Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới;

Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số;

Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.